Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

SHARK VIỆT- NGUYỄN THANH VIỆT- DOANH NHÂN XỨ NGHỆ THẤM PHẬT NHẤT

 

Shark Nguyễn Thanh Việt là một doanh nhân tiêu biểu thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Ông cho rằng, đạo Phật đã giúp ông thấu hiểu được rất nhiều trong công việc và cuộc sống.





doanh nhân Nguyễn Thanh Việt là tiêu biểu cho hình ảnh đại gia Việt thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Theo ông, mọi việc từ văn hóa, tinh thần, cuộc sống, công việc... đều có thể áp dụng giáo lý đạo Phật.

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom và là Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông. Ông là một doanh nhân được mọi người yêu mến không chỉ bởi những thành công trong sự nghiệp mà còn bởi vì lẽ sống và chữ tâm trong kinh doanh.

Cống hiến cho cộng đồng và đem lại hạnh phúc cho người khác chính là mục tiêu mà ông và tập thể Intracom hướng tới. Trong gia đình Intracom, mọi người đều được hướng tâm đến triết lí sống của Phật giáo. Trong chương trình Bước Ngoặt cuộc đời của An Viên TV, doanh nhân Nguyễn Thanh Việt đã chia sẻ về triết lý trong Phật pháp và những nguyên tắc của bản thân trong việc quản lý công ty. 

Chia sẻ về sự ảnh hưởng của Đạo Phật đến bản thân, Shark Việt nhấn mạnh: "Đạo Phật đã thay đổi cuộc đời tôi. Đó là một góc thiêng liêng như tôn giáo. Mục tiêu phấn đấu của tôi không phải là nhiều tiền, nhiều dự án, giúp được nhiều người vì 'nhiều' cũng chỉ là hữu hạn. Mục tiêu cuối cùng của tôi là quên mình đi. Làm được điều đó rất khó, phải thực tập, tu tập từng ngày và dù con đường ấy nhiều gian nan nhưng tôi luôn tâm niệm đó là lẽ sống".

Quá trình khởi nghiệp và cơ duyên giác ngộ Phật pháp

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thủy lợi, ông Nguyễn Thanh Việt đã về công tác tại Tổng công ty Sông Đà. Khi ấy, ông còn là chàng trai 22 tuổi đầy nhiệt huyết. Sau đó, ông tham gia công trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Với ông đây là quãng thời gian gian khổ nhưng đem lại những trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu. 

Chia sẻ trong chương trình, ông cho biết những kinh nghiệm mà ông học được tại đây chính là những kiến thức cốt lõi giúp ông đi đến được thành công. Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian giúp ông cảm nhận rõ nhất về “tình người”. Đó là tình người giữa người lao động với người lao động, giữa người chỉ huy với người lao động.

Kết thúc công việc tại thủy điện Hòa Bình, shark Việt tiếp tục làm việc tại công trình thủy điện Yaly trong 2 năm. Khi ra Hà Nội tiếp tục học tập và công tác năm 1992, ông đã được gặp những người trong thế hệ đi trước và học được rất nhiều điều. Đây cũng chính là cơ duyên giúp ông biết đến Phật pháp. 

Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu này vẫn còn nhiều khó khăn khi ông bước đầu tiếp xúc với đạo Phật. Ông vẫn còn những sự nghi ngờ, chưa thấu hiểu hết những triết lý đạo Phật. Theo ông chia sẻ: “Trong vòng 10 năm từ năm 1995-2005, tôi đọc nhiều nhưng sự hiểu biết thì không đến đâu.” Từ năm 2005, với sự giúp đỡ của các quý thầy và tìm hiểu kỹ càng, ông đã hiểu và giác ngộ ra chân lý, đối với Shark Việt, việc đến chậm với Phật pháp chính là điều tiếc nuối nhất trong đời. 

“Việc tự giác là quan trọng nhất trong đạo Phật”

Shark Việt nói rằng ông luôn đặt ra câu hỏi: “tại sao mình được sinh ra?”, “mục tiêu sống của mình là gì?”. Ông cho rằng những câu hỏi này chính là sự khơi gợi khát khao để cho người trẻ có được sự nhiệt huyết trong quá trình xây dựng sự nghiệp riêng cho mình. 

Ban đầu, ông vẫn cho rằng con người vẫn cần coi trọng cuộc sống cá nhân và trách nhiệm với gia đình. Vậy việc đến với Phật pháp là đúng hay sai? Tuy nhiên, sau khi được giải thích ông nhận ra rằng: “Phật giáo là tự giác, tự mình giác ngộ. Việc tự giác là quan trọng nhất trong đạo Phật và sau khi mình đã tự giác được rồi thì mình hãy giác ngộ những người xung quanh”.


Tự giác theo đạo phật chính là việc mình tự ý thức được lời nói hay hành động của mình là hướng thiện hay ác. Nếu bạn nói một điều thì chỉ có chính bạn mới biết được bạn nói điều đó là thật hay dối trá. Chúng ta trong xã hội hiện đại luôn bị cuốn theo những thứ mà chúng ta cho là cần thiết, quan trọng, theo đuổi những tiêu chuẩn mà ta tự đặt ra trong cuộc sống. Con người bị cuốn theo vòng xoáy của công việc, gia đình và cuộc sống riêng. 

Đối với ông Nguyễn Thanh Việt, tâm linh và tôn giáo chính là những thứ giúp ta vượt qua được hết những khó khăn trong cuộc sống. Ông đã giác ngộ được: “Ung dung trong ràng buộc, tự tại trong đau khổ chính là suy nghĩ của người ngộ đạo. Người khác thấy khổ mà mình không thấy khổ, người khác thấy không vui mà mình thấy vui mới là thấm nhuần tư tưởng bát nhã, mình mới sống được với những khó khăn của cuộc sống. Đạo Phật là thứ tinh túy quý giá hơn cả của cải vật chất mà ta xem là đáng mơ ước trong cuộc sống”.

Trước đây, ông Nguyễn Thanh Việt cũng là một người của công việc, mong muốn thể hiện bản thân và quyết tâm đạt được mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí, ông cảm thấy đau khổ khi không đạt được mục đích và không hài lòng với bản thân. Tuy nhiên, khi giác ngộ Phật pháp ông nhận thấy chỉ cần cố gắng làm tốt, suy nghĩ tỉnh táo còn việc có thành công hay không lại không dựa vào bản thân mình. 

Không chỉ giữ riêng lý thuyết Phật pháp cho riêng mình, ông còn áp dụng vào cả văn hóa của Intracom để xây dựng những giá trị cốt lõi riêng biệt. Ông lan tỏa cho mọi người suy nghĩ phật tại tâm và mọi người đều phải biết mục tiêu cuối cùng của mình là gì. Tại Intracom, con đường kinh doanh và con đường của mỗi người là con đường gột bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi của mình. 

Theo ông, công ty là sự phối hợp của nhiều người và tất cả mỏi người đều cùng phải nhìn về một hướng. Con đường chúng ta cùng đi là con đường bỏ cái tự thân thì công ty mới lớn mạnh được. Mọi người cần bỏ qua những khuyết điểm và nhìn vào những ưu điểm thì mới đạt được mục tiêu chung. Và để làm được điều này thì mỗi người đều cần tự mình giác ngộ được triết lý Phật pháp. 

Ngoài ra, ông cũng luôn áp dụng lý thuyết lục hòa trong đạo Phật để quản lý công ty: Sống cùng nhau, tranh luận nhưng không tranh cãi, các ý nghĩ đều hòa thuận, cùng chia sẻ khó khăn, cùng nhau giúp đỡ, thưởng theo sức đóng góp.

Với doanh nhân, đây chính là phương pháp hiệu quả để quản lý công ty. Ông Việt cho rằng việc khen thưởng cấp dưới, nói lời dễ nghe, thấu cảm và cùng chia sẻ là những yếu tố mà người lãnh đạo cần có để có thể xây dựng một doanh nghiệp lâu bền.

Phật pháp là những gì quý giá hơn cả vàng và kim cương nhưng cũng dễ làm giả. Lý thuyết và triết lý của đạo Phật rất hay cho nên nhiều người muốn lợi dụng để chuộc lợi. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của đạo Phật không phải là của cải vật chất mà là giá trị tinh thần trong nhận thức của mỗi người. 

 Một triết lý của đạo Phật đều ứng dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống 

“Chúng ta phải tập cách quên mình đi, để hướng tới lợi ích xây dựng xã hội cộng đồng giúp đỡ những người xung quanh. Kinh doanh không chỉ là tạo ra những giá trị vật chất mà quan trọng chính là ý nghĩa mà nó đóng góp cho xã hội cộng đồng”, đó chính là phương châm sống và kinh doanh của doanh nhân Nguyễn Thanh Việt. 

Ông cũng nói rằng trước khi làm tốt cho những người xung quanh thì chúng ta phải hiểu bản thân, biết yêu thương chính bản thân mình. Tuy nhiên, yêu mình quá đáng lại có ý nghĩa hoàn toàn cũng khác. Đối với ông, mọi lý thuyết của đạo Phật đều có ý nghĩa đối với cuộc sống. Những việc ta làm, cách cư xử, đối xử với xã hội đều là lý thuyết của đạo phật. 


Là doanh nhân từ tay trắng đi lên, vất vả, bầm giập để tạo dựng được một thương hiệu Intracom vững mạnh, ông Nguyễn Thanh Việt thấu hiểu những khó khăn của người trẻ khởi nghiệp. Để lựa chọn một doanh nghiệp trẻ cần giúp đỡ, ông luôn nhìn vào cách mà họ cùng nhau làm việc, hiệu quả và mục đích hướng tới của doanh nghiệp. Ông luôn ưu tiên những doanh nghiệp hướng tới mục đích vì xã hội, vì con người và cộng đồng. 

Là một người theo đạo Phật, ông Việt cho hay luôn sống và làm việc theo triết lý của Phật giáo “Từ bi – Vị tha - Trí tuệ”. Trong chiến lược phát triển, Intracom và Phương Đông luôn nêu cao tinh thần doanh nghiệp vì cộng đồng: tích cực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó và người dân tại các vùng dự án, tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho cộng đồng…

Ở tuổi 55, ông vẫn luôn trăn trở sứ mệnh phục vụ và sự đóng góp của mình cho xã hội. Ông cũng lan tỏa tinh thần lạc quan và hướng Phật của mình đến với mọi người: “Nếu chưa biết đến đạo Phật thì đang lãng phí cuộc đời của chính mình. Còn khi biết mà không ứng dụng thì cả đời không bao giờ thành công”.


Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị




Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

SHARK DŨNG - SHARK ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT SHARK TANK VIETNAM

SHARK DŨNG - SHARK ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT SHARK TANK VIETNAM



Shark Dũng hay còn được khán giả gọi là Shark Dzung Nguyễn tên thật là Nguyễn Mạnh Dũng, sinh năm 1980, quê gốc ở Nghệ An. Anh đang sinh sống tại Nhật và làm việc ở Việt Nam. Nguyễn Mạnh Dũng từng là cựu học sinh của Trường THPT Cửa Lò và Đại học Ngoại thương chuyên ngành Kinh doanh quốc tế.


Không chỉ được yêu quý bởi là một nhà kinh doanh tài ba, Shark Dũng còn khiến dân tình đổ 'rần rần' vì tính cách điềm tĩnh, hài hước, luôn tôn trọng và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các start-up.


Xuất hiện trong chương trình Shark Tank mùa 2 và 3, Shark Dũng là một gương mặt mới nhưng lại chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả, thậm chí nhiều người còn bày tỏ xem chương trình vì có sự tham gia của anh, đề nghị đổi tên Thương vụ bạc tỷ thành 'Vì Shark Dũng mà đến'. Vậy shark Dũng là ai? Tại sao anh lại được yêu mến đến vậy?
Shark Dũng là ai?
Shark Dũng hay còn được khán giả gọi là Shark Dzung Nguyễn tên thật là Nguyễn Mạnh Dũng, sinh năm 1980, quê gốc ở Nghệ An. Anh đang sinh sống tại Nhật và làm việc ở Việt Nam. Nguyễn Mạnh Dũng từng là cựu học sinh của Trường THPT Cửa Lò và Đại học Ngoại thương chuyên ngành Kinh doanh quốc tế.
Hiện tại, Shark Dũng đang nắm giữ vị trí Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan. Đồng sáng lập và là cổ đông của nhiều ứng dụng nổi tiếng như Tiki, Vatgia, Foody, Jamja, NhacCuaTui, Batdongsan, Vicare, Jupviec, Topica, Vexere, CleverAds và Luxstay,…
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và công nghệ, Shark Dũng đã dẫn dắt gần 30 start-up thành công và được coi là người đỡ đầu, truyền cảm hứng cho nhiều start-up, thương hiệu nổi tiếng.

Nguyễn Mạnh Dũng là một trong những doanh nhân thành đạt và giàu có, anh được đông đảo khán giả biết đến sau khi tham gia chương trình Shark Tank mùa 2 và mùa 3. Với những ý tưởng mới lạ và phong cách riêng biệt, Shark Dũng đã thổi một luồng gió mới cho chương trình, anh được mệnh danh là 'cá mập có khẩu vị mạo hiểm', ưa thích đầu tư vào các start-up công nghệ . Qua Thương vụ bạc tỷ, Shark Dũng đã đầu tư một số vốn khá lớn vào các dự án tại Việt Nam.
Tuổi thơ của Shark Dũng
Shark Dũng chia sẻ anh có một tuổi thơ khó khăn và vất vả, cha mẹ anh làm nghề mắm từ cá biển. Khi còn nhỏ Shark Dũng thường xuyên phải làm những công việc phụ giúp gia đình như thái chuối chăn lợn, 10 tuổi anh phụ cha đóng gạch để có tiền trang trải cuộc sống và ăn học.
Tuy gia đình nghèo khó không có điều kiện nhưng Shark Dũng rất đam mê đọc sách với mong muốn học hành tử tế để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Chính đọc nhiều sách đã tạo dựng cho Shark Dũng những kiến thức hữu ích phục vụ cho công cuộc xây dựng sự nghiệp sau này.


Trải qua bao khó khăn, vất vả cùng sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyễn Mạnh Dũng tốt nghiệp cử nhân của trường Đại Học Ngoại Thương và bắt đầu hành trình khởi nghiệp, kinh doanh của mình.
Con đường sự nghiệp 
Sau khi tốt nghiệp đại học, Shark Dũng từng làm trưởng phòng cho một công ty xuất nhập khẩu Nhật Bản, anh chia sẻ: 'Tôi thấy không có gì thú vị cả, công việc như một cỗ máy làm đều đều'. Chính vì vậy anh xin nghỉ việc bởi lí do không phù hợp.
Sau đó, Shark Dũng chuyển sang làm coder cho FPT, nhưng công việc này vẫn không thể níu chân anh, một lần nữa Shark Dũng quyết định nghỉ việc vì không có gì mới mẻ cho anh khám phá. Anh quyết định tích cóp tiền qua Nhật Bản du học với mong muốn giao tiếp tiếng Nhật thật tốt và học hỏi nhiều điều mới mẻ từ đất nước mặt trời mọc.
Chính quyết định đi du học ở Nhật Bản đã khiến Shark Dũng có cơ hội thay đổi, tìm thấy chính con người của mình và phát triển nó ngày một tốt lên. Anh tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội.

Tại Nhật Bản, sự thông minh, nhạy bén của Shark Dũng đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Quỹ CyberAgent, anh đầu quân cho nơi đây và là người Việt duy nhất giữ chức Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng này với kinh nghiệm làm việc hơn 11 năm trong lĩnh vực đầu tư.
Thời điểm cuối 2007, đầu năm 2008 khi Shark Dũng tham gia CyberAgent, đúng vào lúc nhiều công ty khởi nghiệp chưa hiểu thế nào là quỹ đầu tư và còn nảy sinh hoài nghi. Khi thời điểm khủng hoảng năm 2008 xảy ra, Shark Dũng và CyberAgent một lần nữa mang tiền đến đầu tư. Các start-up thậm chí đặt câu hỏi tại sao lại mang tiền đến cho họ?
Từ tháng 2/2013, Shark Dũng là người tiên phong khai mở thị trường Thái Lan và đầu tư vào Priceza, Acommerce… Bên cạnh đó, anh còn là mentor của nhiều công ty thành công và gọi được vốn như Jamja, Canavi, Homedy….
Trong chương trình Shark Tank, Shark Dũng đã quyết định đầu tư các dự án như: Công nghệ cao - Giải pháp Influencer Marketing toàn diện, Đồng hồ Made in Vietnam, Công nghệ cao - Tìm việc thông minh, OHANA - NƠI Ở TRỌ AN TOÀN, Giải pháp phần mềm ứng dụng công nghệ 4.0 để tối ưu hóa vận hành Chuỗi Cung Ứng, Logistics, F&B - chế biến nên những món ăn, thức uống tươi ngon, bổ dưỡng từ trái chuối của Việt Nam.
Đời tư và gia đình
Shark Dũngđã kết hôn và có 1 cậu con trai 3 tuổi. Hiện tại vợ và con của Shark Dũng đang sinh sống tại Nhật, vì công việc nên Shark Dũng thường xuyên phải xa cách vợ con. Tuy nhiên anh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian khoảng 3-4 tháng lại trở về bên gia đình.
Shark Dũng là người khá kín tiếng trong chuyện tình cảm, trên trang cá nhân của mình, Shark Dũng cũng ít khi chia sẻ về gia đình nên những thông tin về bà xã và con trai anh rất hiếm hoi. Anh chỉ thường cập nhật các bài đăng về công việc, dự án trong tương lai.

Ngoài đời, shark Dũng là một người cởi mở, hòa đồng. Sau mỗi số phát sóng anh thường xuyên đọc, trả lời bình luận của khán giả với những comment dí dỏm, hài hước. Vị Shark này còn bật mí mình thường đi ngủ lúc 1-2 giờ nhưng do tham gia chương trình Shark Tank muốn giữ gìn làn da đẹp nên đi ngủ từ 12 giờ và thức dậy lúc 6 giờ sáng.
Sở thích của shark Dũng là chơi golf, bơi lội và tập gym, 3 thứ khi ra khỏi nhà không thể thiếu của Shark Dũng là đồng hồ, chìa khóa và điện thoại.
Lý do được yêu thích tại Shark Tank mùa 3
Nếu như Shark Việt ghi dấu trong lòng khán giả là một quý ông 'Wonderful' điềm tĩnh, Shark Hưng là một cuốn bách khoa toàn thư, Shark Liên khí chất, thích đầu tư vào các Start-up phát triển kinh doanh bền vững, Shark Bình thẳng tính với những phát ngôn 'cực gắt' thì Shark Dũng lại mang đến chương trình một màu sắc rất riêng. 
Ngoài là một nhà đầu tư kinh doanh thành công, điều mà khán giả thích nhất ở Shark Dũng có lẽ là tính cách cởi mở, chân thành, vui vẻ và luôn đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các start-up. Anh còn được biết đến với khả năng ngoại ngữ cực 'đỉnh'.

Vị 'cá mập' này cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thành công là sự trung thực, niềm đam mê và biết thay đổi vào từng thời điểm. Anh chia sẻ người bên mình khi thành công không quan trọng, người bên mình lúc thất bại mới đáng quý và đáng trân trọng nhất. Với những lời khuyên thấu tình đạt lý, người hâm mộ ai nấy đều đổ 'rần rần' trước Shark Dũng vừa có đức vừa có tài. 

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

MƯỜI BƠ

Gần đây, tôi được mời nói chuyện về kỹ năng sống tại các trường phổ thông trung học. Tôi thường hỏi các em: “Học để làm gì?”. Số đông đều nói học để vào đại học, như bố mẹ em mong.
Tôi tham gia ban cố vấn cho chương trình "Sinh ra từ làng" nên tôi biết hàng trăm thanh niên nông dân trở thành triệu, tỷ phú ngay tại quê hương và sống rất hạnh phúc. Đâu phải tất cả đều cần vào đại học. Trong các chuyện đã chứng kiến, tôi thích nhất Mười Bơ - người đang góp phần thay đổi bộ mặt Tây Nguyên.
Mười Bơ là con thứ 10 trong gia đình nông dân nghèo ở xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 16 tuổi, không chịu nổi sự nghèo khổ bức bối, anh bỏ nhà ra đi lập thân.
Đó là buổi sáng ngày 25/5/1990, Mười trốn gia đình cuốc bộ tới ga Vinh. Mãi đến hai giờ chiều, cậu mới vượt qua được 40 km để leo lên tàu, không một đồng, bị nhân viên nhà tàu mắng nhiếc túi bụi. Mệt và đói, Mười thiếp đi ở sân ga Nha Trang. Đêm hôm ấy, Mười nằm mơ người anh là liệt sĩ hiện về: "Mày chỉ lo thân mày thôi à? Phải kiếm vùng nào đất tốt mà làm giàu để có thể nuôi được cả nhà chứ?". Tỉnh dậy, cậu nhớ đến lời thầy giáo Địa lý đã giảng, chỉ có Tây Nguyên với đất bazan mầu mỡ là vùng đất tốt nhất. May sao, sáng hôm sau một bác lái xe tải tốt bụng cho cậu đi nhờ lên Buôn Mê Thuột.
Đến Buôn Mê Thuột, cậu cuốc bộ 40 km theo quốc lộ 26, nhặt quả bơ rụng ăn và ghé các quán xin nước lã. Mười liều lĩnh vào nhà bác nông dân Trịnh Văn Tải và kể hết ngọn nguồn. Bác nông dân cho Mười ở lại và hẹn hôm sau cùng ra đồng làm ruộng. Khi có việc khác, tiền công tháng 40.000 đồng, Mười gửi tất cả về cho mẹ. Lúc nhận thư Mười, cả nhà khóc vì tưởng cậu đã chết. Năm 1992, nghe tin bố mất, nhưng cậu cũng không có cách gì để về chịu tang.
Làm cho nhiều người, gặp cả những người không tốt, Mười tâm sự với tôi: "Chính vì vậy mà con biết ơn, họ đã cho con quyết tâm phải vươn lên làm chủ đời mình". Vào một buổi sáng đẹp trời, Mười từ biệt nơi làm thuê, bắt đầu hành trình đi thu gom quả bơ giao cho thương lái. Hai năm sau, duyên phận giúp Mười bén duyên với cô gái nghèo quê Quảng Nam. Hai vợ chồng cùng nhau đi mua bơ, dành dụm mua được chiếc xe máy Tàu giá 5 triệu đồng. Rồi mua được mảnh vườn 1,3 ha, họ trồng thử hạt của những trái bơ quý, nhưng thất bại. Mười tìm sách đọc và hiểu rằng phải nhân giống vô tính thì mới lưu giữ nguyên vẹn được tính di truyền. Thế là cậu lặn lội đến các gia đình có những cây bơ quý xin chiết cành đem về trồng.
Ông trời đã giúp những cây bơ giống quý mọc lên. Đó là lúc Mười tiếp xúc được các nhà Sinh học để hỏi làm sao có được hàng vạn cây bơ có trái sai và ngon như vậy. Các nhà khoa học giải thích rằng "tính di truyền ở ngọn", cứ chịu khó chăm sóc các cây bơ giống quý và ghép lên các cây non mọc từ các hạt bơ bình thường nhặt từ chợ về.
Đó là mở đầu cho một chặng đường dài. Mười tạo ra được hàng nghìn bầu bơ giống, lập trang web với thông tin phong phú và chính xác hơn tất cả giáo trình về bơ ở bậc đại học. Nhiều nông dân kể với tôi khi gặp mặt, giống Bơ Xuân Mười thật giá trị. Năm thứ 3 ra quả bói; năm thứ 4 cho 80-100 kg quả, năm thứ 5 cho 150-200 kg quả, và từ năm thứ 7 đến năm thứ 30 cho 250-300 kg quả mỗi cây.
Mười Bơ trở thành tỷ phú, được tuyên dương nông dân xuất sắc tỉnh Đăk Lắk, nông dân xuất sắc cả nước, được nhận danh hiệu "Sao Thần Nông" và bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp.
Nhưng phát kiến đột xuất của Mười Bơ mới đáng kinh ngạc. Cậu nhận ra cây muồng - cây che bóng cho cà phê khắp Tây Nguyên hiện nay - không thu được gì. Cậu đưa ra sáng kiến: để che 1.000 cây cà phê bằng 200 cây bơ thay cho muồng thì riêng thu hoạch từ bơ còn cao hơn cà phê.
Mười Bơ đã bán cây bơ giống khắp Tây Nguyên. Nhưng các nhà khoa học không yên tâm. Bơ Việt Nam sẽ tràn ngập cả Tây Nguyên sau 5 năm nữa mà đây là giống chỉ bảo quản được vài ngày sau khi chín nên rất khó xuất khẩu. Khi cung vượt quá cầu thì tương lai không xa, liệu trái bơ có chung số phận với thanh long, vải, dưa hấu, củ cải và chờ giải cứu hay không?
Tôi biết Australia có giống bơ vừa sai trái, vừa ngon lại có thể bảo quản được cả tháng, tôi đưa Mười đi Australia. Được sự giúp đỡ của các giáo sư Đại học Victoria, Melbourne, Mười nhận được khá nhiều cành bơ Australia và ghép thành công lên giống bơ Việt Nam. Một triển vọng không thể không vui hơn là đến nay một giống bơ có đủ khả năng xuất khẩu đang từng bước lan khắp Tây Nguyên bên cạnh cây cà phê vô cùng quý giá.
Ông Steven Mashall - một chuyên gia người Australia - đã về thăm những cây bơ. Ông nói sẽ đứng ra liên kết xuất khẩu quả bơ và công nghệ chế biến tiên tiến nhất cho bơ Việt Nam.
Người ta gọi nông dân Trịnh Xuân Mười là "Vua Bơ". Còn với tôi, Mười là một tấm gương vượt lên số phận để không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn góp phần làm giàu cho đông đảo bà con Tây Nguyên, tăng thêm ngoại tệ cho đất nước.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ mà tôi kể cho các em học sinh của mình nghe. Tôi cũng nói với các em, ở nước ngoài hiện nay người ta cho rằng "Học để trở thành người tự do". Tự do tư tưởng chứ không bị áp đặt bởi người khác, tự do lựa chọn điều mình yêu, tự do kiến tạo nên mục tiêu của đời mình, tự do thức tỉnh theo những giấc mơ.
Nếu chỉ để tốt nghiệp trung học phổ thông, vào đại học đúng ý nguyện cha mẹ thì các em cần gì lao công khổ tứ học ngày đêm và tìm mọi cách học thêm, rồi còn lùng sách tham khảo để giải các loại bài tập, học các bài văn mẫu... Thật chẳng còn đâu đầu óc thanh thản của tuổi thanh xuân, và sức khoẻ nhiều em đã suy sụp vì học.
Một lái xe nói với tôi, em gái của anh ấy tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng chỉ mong muốn về quê dạy cấp hai thôi, vậy mà phải chạy 300 triệu đồng. Khốn khổ, lương giáo viên khi nào mới trả xong món tiền đi vay chạy việc. Chúng ta không quên hiện nay có trên 200.000 cử nhân, kỹ sư không tìm được việc làm tương xứng với học lực. Nhiều em phải giấu bằng đại học đi thì mới được nhận làm công nhân. Không ít em đành khoác áo mũ lái xe ôm công nghệ. Nếu biết thế thì mất bốn năm đại học làm gì?
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 biết bao thách thức, nhất là ai cũng có thể thất nghiệp. Nhưng cũng tràn đầy cơ hội, nếu lớp thanh niên có ý chí phấn đấu, có sức khoẻ, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin. Họ không chỉ khởi nghiệp thành công trong nước mà còn có thể là những công dân toàn cầu, lập nghiệp ở khắp mọi nơi theo khuôn khổ của Hiệp định CPTPP.
Học để tự do! Chuyện của những người trẻ như Mười cũng là hạnh phúc lớn của tôi.
Nguyễn Lân Dũng

VNExpress.net

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

THÁI HƯƠNG : BÔNG HƯỚNG DƯƠNG XỨ NGHỆ TRÊN ĐỒI NÚI THÁI HÒA




THÁI HƯƠNG : BÔNG HƯỚNG DƯƠNG XỨ NGHỆ TRÊN ĐỒI NÚI THÁI HÒA

Ai là người xứ Nghệ hoặc từng qua vùng đất đầy nắng và gió nơi đây sẽ có cảm xúc mãnh liệt - cái cảm xúc vừa tự hào, vừa thán phục và sự chia sẻ vô bờ bến với những con người đã làm nên kì tích này!



Ngắm nhìn cánh đồng vàng rực một màu như tơ lụa của loài hoa luôn hướng về mặt trời đầy kiêu hãnh mơn man trong sáng sớm miền Phủ Quỳ, lòng tôi dâng trào những xúc cảm của tuổi mới lớn, quên hết bao nhọc nhằn năm tháng, quên hết đắn đo miệt mài, quên đi bao toan tính.
Tôi dừng thật lâu và ngồi đây, phải ngồi đây, viết lên đây để truyền tải đầy đủ nhất, chân tình nhất về một con người, về một con đường, về một sự đổi mới của xứ Nghệ quê tôi mà tôi từng chứng kiến, từng được nghe và đọc nhiều chiều trên các phương tiện truyền thông.
Có lẽ, chị Thái Hương – người bày biện ra cảnh sắc tuyệt vời này muốn chuyển cho chúng ta thông điệp: “TH true milk đã luôn không ngừng nghỉ cống hiến và chăm chút từng chi tiết đời thường, cho thương hiệu luôn đẹp mãi cùng thời gian!”
Tôi muốn truyền tải rằng, TH như đoá hoa kia rực rỡ thanh khiết, kết tinh thơm thảo hương trời, hương đất, cho ta niềm tự hào đất Việt, niềm tự hào nông nghiệp Việt Nam. Giờ đây, nhìn vào thành tựu này, ai nói nông nghiệp Việt Nam manh mún, lạc hậu? Ai nói sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thua bầu kém bạn?
Có lẽ, những cánh đồng bạt ngàn hoa này là một trong những bí quyết thành công vang dội của TH - một thương hiệu non trẻ mà trong lòng người dân Việt Nam chúng ta yêu quý, một thương hiệu đã mang tầm Quốc tế!
Tổng thống Isreal, ngài Simom Peres đến thăm TH đã khẳng định: “Dự án sữa TH đã khởi xướng cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam và khu vực”.  


Tạp chí Forbes đã vinh danh chị Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á vì những đóng góp làm thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam.
Trang trại TH true Milk đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á chứng nhận là“Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á”.
Tiến sỹ Biswaroop Roy Chowdhury, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Châu Á khẳng định: “5 năm trở về trước, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam chưa từng được nhắc đến trên bản đồ chăn nuôi bò sữa thế giới cho đến khi có sự ra đời của một hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nghệ An, nơi mà hôm nay tôi có vinh dự được đứng trên bục phát biểu và trao Kỷ lục “Cụm trang bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á” cho các bạn. Để đạt được kỷ lục này, TH đã phải cạnh tranh với rất nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là các trang trại tại các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, các nước vùng Trung Đông... Các bạn là niềm tự hào của Việt Nam và của nền chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp Châu Á…”

Sự ngưỡng mộ đó hiện lên mạch lạc khi tôi ngồi tại nơi đây – trên cánh đồng hướng dương ngút ngàn tầm mắt mà hàng ngày có hàng chục ngàn người lặn lội về chiêm ngưỡng. Tôi tin, ai đã đến cũng sẽ có cảm giác say đắm như tôi: Hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, đỡ bon chen và sống trách nhiệm hơn.



Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

NGUYỄN CẢNH SƠN - DOANH NHÂN XỨ NGHỆ - MỞ LỐI ĐI RIÊNG

Nguyễn Cảnh Sơn 



                       NGUYỄN CẢNH SƠN - DOANH NHÂN XỨ NGHỆ - MỞ LỐI ĐI RIÊNG 


Có rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp kinh doanh từ Nga hay Liên Xô cũ đã về nước và tiếp tục kinh doanh thành công. Ông Nguyễn Cảnh Sơn - là một trong những nhân vật tiêu biểu, đã khởi nghiệp tại Liên Bang Nga vào năm 1994 với việc thành lập công ty T&M Trans, trở thành đại gia của nhiều tập đoàn lớn.


Năm 2007, Eurowindow Holding được thành lập để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn T&M Trans, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, VLXD, tài chính... Các công ty thành viên của Eurowindow gồm có: CTCP Cửa sổ nhựa Châu Âu, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, CTCP Incentra… 

Ông Nguyễn Cảnh Sơn hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT của Eurowindow Holding, CTCP Đầu tư T&M Việt Nam; thành viên HĐQT Techcombank. Ông Sơn hiện còn là chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. 

Xây dựng thưởng hiệu từ con số "0"

Tiếp chúng tôi tại "tổng hành dinh" của tập đoàn T&M Trans Việt Nam số 30 BCD Lý Nam Đế (Hà Nội) là gương mặt liên tục xuất hiện trên trang bìa các tờ báo, tạp chí về doanh nhân, doanh nghiệp những năm gần đây. Đó là doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng GĐ Eurowindow, kiêm Tổng GĐ Mê Linh PLAZA. 

Đến giờ nhiều người đã biết đến sự thành công của những thương hiệu này, nhưng ít ai biết chủ đầu tư - Tập đoàn T&M Trans và Tổng GĐ Nguyễn Cảnh Hồng đã bạo gan thế nào để làm được điều đó. 

"Chúng tôi đã chọn cách đi khác. Lúc đó nhiều người thường chọn cách đi an toàn, lao vào những lĩnh vực đã có thị trường, nhưng anh trai tôi (ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn T&M Trans có trụ sở chính tại LB Nga) và tôi thì lại khác. Chúng tôi chủ động tìm hiểu dự đoán nhu cầu của thị trường và chọn sản phẩm cửa sổ nhựa châu Âu để đưa vào thị trường Việt Nam". 

Sản phẩm này được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nước châu Á, vậy thì lý nào lại không thành công ở Việt Nam, một nước đang có tốc độ phát triển nhanh, vững chắc, đời sống người dân đang dần được nâng cao. Có niềm tin như vậy, với sự hỗ trợ đầu tư từ người anh trai, doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng liền bắt tay vào việc. 

"Cái khó là chúng tôi phải tạo ra thị trường, vì lúc đó thị trường sản phẩm cửa nhựa gần như là con số "0". Người ta bảo gỗ đầy ra đấy, ai dùng cửa nhựa nhà ông" - Tổng GĐ Nguyễn Cảnh Hồng nhớ lại. 

Nhiều người đã bảo anh em nhà ông Cảnh Sơn, Cảnh Hồng quá mạo hiểm với một sản phẩm cửa nhựa mang cái tên Eurowindow mới toanh mà thị trường chưa phát sinh nhu cầu, mạo hiểm với một đại siêu thị Mê Linh PLAZA đặt ở nơi "xa xôi" giáp ranh Hà Nội với Vĩnh Phúc… 90% khách hàng tiềm năng của họ khi được khảo sát ý kiến đã lắc đầu cho rằng sẽ không thành công, không khả thi. 

Vậy mà cái bị đa số cho là điên rồ, không khả thi ấy chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển nhanh đến không ngờ. Bằng chất lượng, bằng quảng bá, tiếp thị kiên trì, chuyên nghiệp, doanh nghiệp đã đưa người dân Việt Nam đến với phong cách tiêu dùng mới. 

Thực tế đã và đang chứng minh họ đúng, họ biết làm. Sản phẩm cửa nhựa Eurowindow chỉ sau 1 năm ra mắt đã được chọn trao giải Sao vàng Đất Việt đầu tiên vào năm 2004, doanh số liên tục tăng 60-70%/năm, năm 2007 dự kiến tăng 100%, đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng.

Đến nay, ở Việt Nam đã có khoảng ba chục đơn vị sản xuất cửa nhựa cùng chia thị phần với Eurowindow, thu hẹp thị phần của cửa gỗ. "Chúng tôi mừng vì đã góp phần lớn để tạo ra được thị trường, mừng vì người dân được lựa chọn sản phẩm tốt, hưởng giá cả cạnh tranh, còn đơn vị nào uy tín, chất lượng thì sẽ tồn tại" - doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng tự tin. Chất lượng, uy tín và sự chuyên nghiệp là tiêu chí mấu chốt để những Eurowindow, Mê Linh PLAZA hay bất kỳ thương hiệu nào có thể đứng vững.


Eurowindow - thương hiệu chất lượng, chuyên nghiệp 

Sau 5 năm gây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, mới đây Eurowindow quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ 100% vốn đầu tư nước ngoài sang mô hình công ty cổ phần vào tháng 5/2007 và dự định sẽ sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán để có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn nữa. 

Cùng với việc chuyển đổi hình thức Công ty của Eurowindow, tập đoàn mẹ T&M Trans đang tiến hành sắp xếp lại các mảng đầu tư tại Việt Nam với việc xây dựng Công ty Eurowindow Holding gồm 3 mảng kinh doanh chính: Sản xuất Vật liệu xây dựng; Xây dựng và kinh doanh bất động sản, phân phối vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất. 

Đây là hoạt động nhằm liên kết giữa các khâu từ sản xuất vật liệu tới kinh doanh phân phối và xây dựng công trình, tận dụng thế mạnh sẵn có trong từng lĩnh vực liên kết lại tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các công ty, tiến tới thực hiện các dự án tầm cỡ quốc tế của tập đoàn T&M Trans tại Việt Nam. 

Điều đáng trân trọng là Doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến công tác xã hội từ thiện với hàng tỉ đồng đóng góp đã được chuyển tới những đồng bào nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai. 


Năm sinh 10/4/1967 (45 tuổi) 
Quê quán Thanh Chương, Nghệ An 

Chức vụ
Chủ tịch Eurowindow Holding 
Chủ tịch CTCP Chứng khoán EuroCapital 
Phó Chủ tịch Techcombank 
Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài 
Gia đình Em: Nguyễn Cảnh Hồng (1970) - TGĐ Eurowindow 

Tài sản
Cổ phần Eurowindow Holding, Techcombank 
13% cổ phần CTCK EuroCapital

Posted by Phan Dang An - 2013


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Phạm Nhật Vượng - 'Tỷ phú ẩn mình' của Việt Nam

Ông Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Hãng tin tài chính Bloomberg hôm 25/10 có bài viết dài về ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. BBC Việt ngữ xin giới thiệu cùng quý vị.
Ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú bắt đầu từ một cơ sở kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina và rồi trở thành nhà kinh doanh bất động sản lớn nhất Việt Nam.


“Người Việt vẫn giữ nhiều vàng như hình thức tiết kiệm,” ông Vượng nói trong một cuộc trao đổi tại trụ sở của công ty ở Hà Nội.Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vingroup, tập đoàn đang xây dựng 8 dự án bất động sản đa năng tại các vị trí đắc địa ở Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ đôla, đang có các kế hoạch làm giàu thêm nữa bằng việc bán các căn hộ cao cấp và trung cấp cho những người châu Á muốn điều chuyển tài sản của mình từ tiền mặt hoặc vàng.
“Người Việt rất giống với người Hoa. Họ không thể giữ vàng dưới gầm giường mãi. Cuối cùng thì họ cũng sẽ đem vàng ra đầu tư. Và thị trường nhà đất sẽ phát triển,” ông Vượng nói.
Ông Vượng và vợ ông, bà Phạm Thu Hương, sở hữu khoảng 50% cổ phần của Vingroup, tập đoàn lớn thứ năm trên thị trường tại Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường. Không kể số cổ phiếu ông dùng làm thế chấp để tài trợ cho một số dự án nhà đất của công ty, ông Vượng có tài sản trị giá 1,3 tỷ đôla, theo Chỉ số Tỉ phú Bloomberg.
Ông chưa bao giờ xuất hiện trong bảng xếp hạng người giàu quốc tế.
Vingroup hiện đang có kế hoạch huy động vốn khoảng 300 triệu đôla thông qua việc chào bán cổ phiếu tại Singapore hồi tháng Tám nhằm bổ sung vốn để mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Năm ngoái, tập đoàn đã tạm gác kế hoạch niêm yết ở Singapore vào năm ngoái khi Chỉ số Straits Times của Singapore sụt 17%.
“Nếu bây giờ qu‎ý vị đưa cho tôi 10 tỷ đôla, tôi sẽ dùng tất cả số tiền đó vào xây dựng vì vẫn còn rất nhiều nhu cầu về xây dựng,” ông Vượng nói. “Nhu cầu ở Việt Nam thật vô cùng lớn.”
Nhà tỷ phú nói rằng ông cũng có kế hoạch xây dựng tại Singapore hay Hong Kong, nơi một số các nhà bất động sản lớn nhất châu Á đặt trụ sở.
Học ở Nga
Ông Vượng học ngành kinh tế địa chất tại trường Đại học Địa chất Moscow của Nga. Sau đó ông tới Ukraina và thành lập công ty LLC Technocom, hãng sản xuất hơn 100 sản phẩm đồ ăn khô, trong đó có mỳ ăn liền và bột khoai tây nghiền.
Ông bán công ty này, với giá không được công bố, cho hãng Nestle SA vào năm 2010. Technocom có kim ngạch hơn 100 triệu đôla vào thời điểm được ông bán đi.
Dựa trên doanh thu trung bình của nhiều lần sáp nhập và mua đi bán lại các công ty thực phẩm này trên khắp thế giới thì công ty có thể đã có trị giá 150 triệu đôla vào năm 2010 khi nhà tỷ phú này bán toàn bộ hoạt động này cho hãng thực phẩm Nestle SA có trụ sở tại Vevey, Thụy Sĩ, theo các số liệu tổng hợp của Bloomberg.
Ông Vượng từ chối không nói tiết lộ giá bán vì một điều khoản trong hợp đồng.
Hồi hương
Ông Vượng trở lại Việt Nam năm 2001 khi ông thành lập công ty du lịch khách sạn Vinpearl. Năm sau ông thành lập Vincom, hoạt động trong lĩnh lực bất động sản thương mại và nhà ở trung và cao cấp. Vinpearl và Vincom, đều đã được niêm yết, sau đó được hợp nhất thành Tập đoàn Vingroup vào năm nay.
Vingroup là cổ đông kiểm soát tại 19 dự án mà Tập đoàn này đang xây dựng ở Việt Nam, bao gồm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên và Đà Nẵng.

Trung tâm Vincom ở TP. HCM
Các dự án của Tập đoàn Vingroup ở Hà Nội, thành phố nổi tiếng với kiến trúc kiểu thời Pháp thuộc và những con phố rợp bóng cây, đều nằm trong phạm vi cách trung tâm thành phố không quá 10 cây số. Chính phủ Việt Nam, đã tạo ra nền kinh tế thị trường qua các chính sách Đổi mới vào năm 1986, đang tìm cách phát triển thủ đô thành một đô thị hiện đại.
Dự án Royal City có chức năng sử dụng hỗn hợp xây trên khu đất trước đây là một nhà máy, cách trung tâm Hà Nội 5 cây số, đang được tiếp tục xây dựng. Các căn hộ cao cấp tại đây được bán với giá 1.800-2.500 đôla một mét vuông và người mua có thể thay đổi thiết kế từng căn hộ cho phù hợp với phong thủy của mình. Dự án sẽ có cả công viên nước trong nhà và sân trượt băng đầu tiên tại Việt Nam khi hoàn tất vào sang năm.
Thay đổi lối sống
Tại Times City, đặt ở khu dân cư và thương mại sầm uất của Hà Nội, Vingroup mở bệnh viện đầu tiên của Việt Nam có các phòng dành riêng cho một bệnh nhân và các phòng cao cấp. Dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với các khu nhà ở, trung tâm mua bán và một trường quốc tế.
Ông Vượng, cha của ba người con, nói ông muốn bán một “kinh nghiệm sống”mới cho người Việt Nam.
“Chúng tôi muốn mang lại những sản phẩm tốt hơn tới Việt Nam,” ông nói. “Hy vọng của tôi là qua những thay đổi về lối sống và những sản phẩm tiêu dùng, nó sẽ ảnh hưởng tới người dân và làm thay đổi cách suy nghĩ của họ. Đất nước sẽ phát triển hơn so với ngày nay.”
Mua đất ở những điểm đắc địa hoặc độc nhất vô nhị đã cho phép Vingroup bán được bất động sản của mình với giá cao ngay cả khi thị trường sụt giảm, bà Tôn Phương, một phân tích gia thuộc công ty Viet Capital Securities tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. Một điểm mạnh khác là Vingroup có thể hoàn thành dự án trong một thời gian ngắn, bà nói.
"
Hy vọng của tôi là qua những thay đổi về lối sống và những sản phẩm tiêu dùng, nó sẽ ảnh hưởng tới người dân và làm thay đổi cách suy nghĩ của họ. Đất nước sẽ phát triển hơn so với ngày nay."
Phạm Nhật Vượng
Tập đoàn Vingroup “có lợi thế đặc biệt về nguồn vốn; đó là lý do tại sao họ có thể nhắm vào những dự án đòi hỏi nhiều vốn ngay từ đầu”, bà Tôn Phương cho biết thêm. “Hầu hết bất động sản mà họ đưa vào thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều kết hợp những khái niệm phát triển mới tại Việt Nam.”
Tài chính hoán đổi
Tập đoàn Vingroup bán 300 triệu đôla trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Tập đoàn thu được 100 triệu đôla trong đợt bán trái phiếu chuyển đổi của một công ty Việt Nam đầu tiên hồi năm 2009. Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp thì Tập đoàn Vingroup có tài sản trị giá khoảng 1,7 tỷ đôla và với số nợ là 1,3 tỷ đôla.
Nhà tỷ phú nói rằng ông sẽ kinh doanh bất động sản tại nước ngoài "khi có cơ hội tốt". Năm nay, ông thuê McKinsey & Co. làm đánh giá chiến lược các hoạt động kinh doanh của Vingroup và tư vấn cho tương lai của tập đoàn.
"Với viễn ảnh của mình, chỉ giới hạn ở thị trường Việt Nam sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của họ," bà Tôn Phương thuộc Viet Capital Securities nói.
Ông Vượng đã tới nhiều thành phố khác nhau để có thêm ý tưởng. Khi xây dựng Vincom Center tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Vượng đã tổ chức một chuyến đi tới Singapore cho những người thuê nhà của khu tổ hợp này, trả tiền vé máy bay và chỗ ở cho họ.
Tháo dỡ phòng
Trước khi xây khu nghỉ mát Vinpearl Resort Nha Trang, dự án khách sạn du lịch đầu tiên của mình tại một bờ biển tư nhân, ông Vượng đã tới các khách sạn ở Phuket với một chiếc tuôc-nơ-vit trong vali. Ông dùng nó để tháo gỡ những trang thiết bị trong phòng để xem chúng được lắp như thế nào trước khi lắp trả lại như cũ.
Dự án Times City ở Hà Nội
Dự án Times City ở Hà Nội
"Ông là một người rất khiêm tốn và dân dã," bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, người từng làm cho Lehman Brothers Holdings Inc., cho biết. "Ông luôn nói với ban quản lý phải tiếp tục học hỏi mối ngày, rằng không thể bằng lòng với những gì mình có."
Số lượng khách hàng mà ông Vượng muốn nhắm tới là bao nhiêu là điều còn chưa được rõ. Dân số thành thị mỗi năm tăng 3,4%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong đó tăng nhanh nhất là tại hai thành phố chính Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ khoảng 5% dân số ở hai thành phố chính này là có thể đủ tiền mua những căn hộ của các nhà xây dựng lớn.
Khả năng chi tiêu có giới hạn
Khoảng 47% các gia đình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân 7425 đôla một năm, theo công ty môi giới bất động sản CBRE Group Inc. cho biết. Vẫn theo công ty này thì phải 51 năm mới tiết kiệm đủ tiền để mua một căn hộ loại trung có giá 72000 đôla.
Đại đa số bất động sản tại Việt Nam đều được mua trả thẳng chứ không theo hình thức vay ngân hàng trả góp. Theo chi nhánh CBRE tại Việt Nam thì mỗi gia đình trung bình phải mất 242 năm tiết kiệm mới đủ tiền mua căn hộ hạng sang với giá 342 nghìn đôla.
Giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 3 lần từ năm 2004 tính tới quý đầu năm 2008, theo số liệu của CBRE. Nhưng giá nhà sụt giảm khi chính phủ tăng lãi suất và hạn chế cho vay cho khu vực bất động sản và các khu vực phi sản xuất khác trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng lạm phát.
Số liệu bán hàng
Tập đoàn Vingroup bán 7000 tới 8000 căn hộ vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, ông Vượng cho biết. Các căn hộ cao cấp tại Vincom Center ở thành phố Hồ Chí Minh, với cả spa và khu thể thao, được bán năm 2010 với giá trung bình khoảng 8000 đôla một mét vuông, đắt kỷ lục tại Việt Nam.
Ông Vượng, một người coi trọng kỷ luật và thưởng cho những người làm tốt, luôn giương cao một khẩu hiệu với nhân viên:
“Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong tất cả mọi việc bạn làm, trong mọi hành động của mình.”
Nhà tỷ phú chơi đá bóng và bóng chuyền hàng tuần với nhân viên Tập đoàn Vingroup tại trung tâm thể thao của tập đoàn, đổi comple, cà-vat sang đồng phục thể thao của đội bóng công ty. Ông chơi ở vị trí trung phong – vị trí phải làm bàn.
“Tấn công tốt hơn là phòng ngự,” ông nói, và nói thêm ông cũng áp dụng nguyên tắc đó với tất cả mọi việc ông làm.

Nguồn: BBC Vietnamese

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Nguyễn Trần Bạt - Từ cậu bé bán nước chè dạo đến ông chủ tập đoàn

Từ một cậu ấm nhưng sau một biến cố của cuộc đời, Nguyễn Trần Bạt đã phải đi bán nước chè dạo ở Ga Hàng Cỏ lúc mới 7 tuổi. Nhưng mấy chục năm sau, cậu bé ấy đã trở thành người chuyên cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia. Hiện ông Bạt là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Invest Consult Group với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

 Phải giải phóng mình khỏi sự nghèo khổ, ngu dốt, tầm thường
Ông đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, thậm chí có lúc đã phải mất đứa con gái vì không đủ tiền chữa bệnh cho con... Những năm tháng khốn khó ấy có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội năm lên 9 tuổi. Trước cách mạng, ông nội tôi là địa chủ, ông ngoại tôi cũng là địa chủ. Lúc còn thanh niên, bố tôi học ở Hà Nội và đỗ tú tài.
Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc trong đời sống chính trị của bố, làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi cũng theo mẹ ra đi từ năm 9 tuổi.Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó. Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cả nhà tôi đều phải làm như thế cả.Tôi từ một cậu ấm đã trở thành một đứa trẻ nghèo, ra đường lao động để kiếm sống. Cái đấy có lợi hay có hại tùy theo cách đánh giá, nhưng với tôi nỗi đau khổ ấy là một thực tế giày vò trong nhiều năm tháng.
Được biết ông vừa mới hoàn thành một quyển sách được đặt tên là “Tự do”?
Tôi xem nghèo khổ là một trong những yếu tố làm mất tự do của đời sống của con người. Rất đáng buồn là xã hội chúng ta có một thời kỳ rất dài thi vị hóa sự nghèo khổ và kỳ thị sự giàu có như một đối tượng vô đạo.Người ta chỉ tìm thấy sự xấu xa ở những người giàu có và chỉ nhìn thấy đạo đức ở những kẻ nghèo khổ. Những định kiến như thế kéo lùi chúng ta bao nhiêu năm.Cần phải phá bỏ quan niệm như thế. Người giàu vẫn phải có đạo đức, phải làm thế nào để giàu có trong đức hạnh của mình, cái đấy là rất quan trọng.Có một số kẻ trước đây nghèo khó bây giờ có tiền rồi thì cho con mua ô tô, mua xe máy @, SH..., nhìn những ví dụ như vậy tôi rất thương. Những con người nghèo khó về vật chất đang biến dần thành những người nghèo khó về mặt tâm hồn, đến mức ngay cả khi không còn nghèo khó về mặt vật chất nữa thì sự nghèo khó về mặt tâm hồn vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc đời họ.Còn tôi ý thức sự nghèo khó về mặt vật chất và phấn đấu để thoát khỏi nó, nhưng tôi vẫn tâm niệm phải giữ nguyên được những giá trị khác.
Ông quan niệm thế nào về tiền bạc?
Tôi cho rằng sự giàu có là một tất yếu mà con người phải phấn đấu. Mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự ngu dốt và phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự tầm thường.Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc.
Ông đã cho ra đời 3 cuốn sách mang tính suy tưởng triết học. Ông viết sách vì muốn đưa cuộc đời vào sách, đưa sách vào cuộc đời hay vì một sự thôi thúc nào đó?
Tôi là một người không thiếu tiền, nhưng tôi yêu cuộc đời giống như một người bạn nghèo, tôi yêu cả nhược điểm của nó. Ai đó có thể căm thù, ghét bỏ, phê phán người nọ, người kia, nhưng ở tôi không có điều ấy.Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Nền kinh tế bao cấp đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, vì nền kinh tế bao cấp chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi.Đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, rồi những vấp váp trong cuộc đời có thể để lại cho tôi những vết sẹo, nhưng tôi xem những vết sẹo ấy như những kỷ niệm về một thời ấu trẻ.Tôi chưa bao giờ căm thù nó cả. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm.
Lập Công ty để “phiên dịch” cho hai hệ thống kinh tế
Con đường doanh nhân của ông được hình thành như thế nào?
Từ những thay đổi của thời cuộc vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, tôi đã đi đến suy nghĩ rằng chúng ta phải mở cửa. Khi đó, sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau, ở mức độ nhất định chúng ta chưa biết gì về ngoại thương, về ngân hàng…, còn những người nước ngoài thì biết tất cả nhưng chưa biết gì về xã hội Việt Nam.Hai cộng đồng người ấy gặp nhau sẽ cần người “phiên dịch”. Cty Invest Consult Group ra đời để đóng vai trò người “phiên dịch”, và tôi kiếm tiền bằng việc “phiên dịch” sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, giữa phương Tây phát triển và Việt Nam đang đi tìm con đường phát triển.Đến bây giờ vai trò ấy vẫn chưa hết, tuy nhiên, sự “phiên dịch” được tập trung vào những đối tượng tinh tế hơn, phức tạp hơn và trên những khía cạnh phong phú hơn.
Ông đã gặp những khó khăn gì khi đóng vai trò “phiên dịch” cho hai hệ thống đó?
Xã hội chúng ta là xã hội sùng bái công nghiệp, vì thế tất cả các đối tượng phi công nghiệp đều bị ngờ vực và tôi bị ngờ vực là đương nhiên. Tôi có nghĩa vụ phải giải thích với xã hội, giải thích với các nhà lãnh đạo rằng cái mà chúng tôi làm là cái mà xã hội cần.Năm 1989, tôi có tổ chức một cuộc hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, tôi đã được gọi lên để chất vấn và chịu kỷ luật về việc truyền bá những khái niệm “nhạy cảm”... Xã hội chúng ta đã từng có một thời với những chuyện như thế.
Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân
Là một doanh nhân thành đạt, ông nhận xét gì về doanh nhân và văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay?
Hình ảnh của doanh nhân Việt Nam đang hình thành và rõ nét dần cùng với hình ảnh nền kinh tế Việt Nam, cho nên, chúng ta cùng xây dựng các đường nét phác thảo chứ không nên vẽ các ví dụ cụ thể để cố định hóa nhận thức của thế hệ trẻ về cái gọi là doanh nhân.Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì, theo tôi, có đến 70-80% các doanh nhân Việt Nam vẫn kiếm lợi dựa vào việc khai thác các mặt hạn chế của thể chế của chúng ta về kinh tế. Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân. Xã hội chúng ta mới bắt đầu những bước chập chững đầu tiên để xây dựng một cộng đồng doanh nhân.Văn hóa doanh nhân là những đặc trưng được kết tinh bởi kinh nghiệm hoạt động của doanh nhân, chúng ta mới bắt đầu những bước đầu tiên, chúng ta chưa có nền văn hóa như vậy. Chúng ta không nên nêu vấn đề ấy để cưỡng bức xây dựng một nền văn hóa doanh nhân. Văn hóa doanh nhân sẽ đến cùng với sự hình thành của nền kinh tế.
Việt Nam hội nhập vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân, liệu có đáng lo, thưa ông?
Không! 3/4 hay 4/5 nhân loại đều gia nhập WTO và đều ngẩn ngơ như người Việt cả nhưng có ai chết đâu. Tại sao chúng ta lo lắng? Chúng ta tưởng rằng chúng ta là anh hùng, chúng ta vĩ đại, chúng ta sợ mất tiếng, chúng ta sợ lép vế nhưng chúng ta cũng giống như thiên hạ thôi, chúng ta sẽ phát triển cùng thiên hạ. Không cần phải lo chuyện chúng ta vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Tiền Phong Chủ Nhật)

Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946.
Quê quán: Hưng Nguyên, Nghệ An.
Ông là nhà sáng lập InvestConsult Group và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty này. Ông tham gia viết nhiều sách và báo, các tác phẩm của ông được đánh giá rất cao.